Truyền thông hướng đến sự tử tế đối với cơ thể

Khi tôi nói về mối quan tâm “Tâm lý học truyền thông”, tôi thường được hỏi là liệu đây có phải là cách nắm bắt tâm lý con người để tạo hiệu ứng cao cho thông điệp truyền thông không?

Tôi không hướng đến mục tiêu này. Mục tiêu mình hướng đến là hiểu, có thể nhìn thấy được những rủi ro nếu truyền thông không đúng, không đủ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý số đông.

 1. Bài “Effects of fitspiration content on body image: a systematic review” của nhóm tác giả công bố năm 2022 chính là một bài báo có ích với hướng tiếp cận ở trên. Nhóm tác giả nghiên cứu hậu quả của các nội dung mang tính “fitspiration” tác động lên hình ảnh cơ thể, đồng thời đưa ra đánh giá một cách hệ thống.

“Fitspiration” là cụm từ chỉ việc truyền cảm hứng cho cá nhân tập luyện hoặc tăng tường thói quen vận động lành mạnh. Tuy nhiên, nội dung cùng hình ảnh đăng tải lại quá đậm về việc xây dựng nên những hình ảnh “hoàn hảo” mà quên mất phần quan trọng chính là khơi gợi động lực từ bên trong, khuyến khích mỗi cá nhân “sống khỏe” một cách toàn diện, tôn trọng cơ thể mình.

Dù vẫn có những nội dung chừng mực, hình ảnh đẹp đi cùng phân tích khoa học, khách quan nhưng con số này khá ít, quá lép vế so với những hình ảnh choáng ngợp. Hậu quả là tạo ra tâm lý chán nản vì phải so sánh, mệt mỏi vì tin rằng nếu không đạt được hình ảnh như người khác là chưa khỏe.

Nếu hứng thú với chủ đề này bạn có thể tìm đọc thêm “Fitspiration on social media: Body-image and other psychopathological risks among young adults. A narrative review” công bố năm 2021.

 2. Quan sát cơ thể, chúng ta nghe rất nhiều nhưng nó thật sự là gì thì không phải chỉ dừng ở việc đọc-hiểu là cảm nhận được. Muốn quan sát được cơ thể, trước hết phải cảm nhận được cơ thể như nó đang là như thế, chứ không phải cảm nhận như cách mình nghĩ nó phải thế này, không thể thế khác.

Khi mình hướng dẫn một bạn ngồi yên quan sát hơi thở cùng chuyển động cơ thể, lần đầu mình quan sát thấy bạn nhăn mặt, khó chịu khúc gần cuối. Sau đó, bạn chia sẻ vì bạn đã quen với việc lướt qua những cảm giác khó chịu trên cơ thể, bạn từng tin rằng bạn có thể kiểm soát mọi điều trên cơ thể. Mình hướng dẫn bạn duỗi chân, xoa và tác động một vài điểm để gỡ cơn tê. Lần thực hành sau, khi tới điểm tê, bạn chủ động chăm sóc bàn chân và gương mặt không còn sự kiềm nén lúc nãy. Quan sát cơ thể, là khái niệm để thực hành.

Khi quan sát, chúng ta sẽ nhận diện được, từ nhận diện sẽ đi đến chấp nhận và có hai bước này mới chuyển qua bước thay đổi (theo mô hình 3A của sự thay đổi: aware-accept-change).

Quyển Body Kindness có đề cập mấy ý này: “Quyết định quan trọng nhất bạn có thể đưa ra liên quan đến tập luyện chỉ đơn giản chuyển động cơ thể của mình thường xuyên hơn với cảm giác vui thích và hài lòng” – “Tất cả những việc bạn cần làm để có một kế hoạch rèn luyện lý tưởng chỉ gói gọng trong 2 điều đơn giản: 1/ Bất cứ hoạt động nào bạn sẵn sàng thực hiện giúp tăng nhịp tim 2/ Cam kết bắt đầu. Chỉ thế thôi”.

Tử tế với cơ thể cũng bắt đầu từ quan sát, chấp nhận và tìm những cách giúp cho cơ thể có những bước chuyển đổi phù hợp với bản thân mỗi người nhất. Từ đó mới hướng đến cá nhân hóa quá trình luyện tập một cách phù hợp nhất có thể.

Nguyễn Như Quỳnh

 Tài liệu tham khảo:

  1. Jerónimo, F., & Carraça, E. V. (2022). Effects of fitspiration content on body image: a systematic review. Eating and Weight Disorders-Studies on Anorexia, Bulimia and Obesity27(8), 3017-3035..
  2. Dự án #StopFitspiration của Libero Magazine
  3. Scritchfield, R. (2016). Body Kindness: Transform Your Health from the Inside Out–and Never Say Diet Again. Workman Publishing Company.
  4. Cataldo, I., De Luca, I., Giorgetti, V., Cicconcelli, D., Bersani, F. S., Imperatori, C., … & Corazza, O. (2021). Fitspiration on social media: Body-image and other psychopathological risks among young adults. A narrative review. Emerging Trends in Drugs, Addictions, and Health, 1, 100010.

Tâm lý học truyền thông ([email protected]) – Hiểu về truyền thông qua lăng kính tâm lý học. Truyền thông khoa học về tâm lý. Củng cố sức khỏe tâm lý và gắn kết những mối quan hệ, tương tác khỏe mạnh.

No Comments

Sorry, the comment form is closed at this time.