8 thiên kiến bẻ cong sự thật

Một ngày, chúng ta tiếp nhận bao nhiêu thông tin mới? Chúng ta phản ứng với từng thông tin ấy như thế nào? Sau phản ứng ấy, điều gì chất chồng trong lòng chúng ta? Những câu hỏi chẳng thể dừng lại bởi một khi chạm vào suy nghĩ, mọi thứ sẽ không ở yên đó. Nó sẽ “nhảy múa” trong tâm trí. Nếu không rõ ràng và gạn lọc ngay từ đầu, chính chúng ta sẽ là nạn nhân của thiên kiến tự động xuất hiện trong mạch tư duy của mình.

Thiên kiến có thể hiểu là lệch lạc trong nhận thức hoặc những niềm tin phi lý chất chứa trong chúng ta và theo thời gian, nó gây cản trở đến hàng loạt quyết định trong cuộc sống.

Theo thống kê của các nhà tâm lý học thì chúng ta đang sống với hơn 180 thiên kiến và dưới đây là 8 thiên kiến/hiệu ứng thường hay gặp. Bạn thử xem có quen với chính mình không?

Hành trình phủ nhận lại niềm tin của mình đôi khi khó khăn nhưng nếu đó là niềm tin cần phủ nhận thì sau khi vượt qua, chúng ta sẽ thấy mọi thứ sáng rõ hơn nó đã từng.

1/ Hiệu ứng mỏ neo (anchoring effect)

Hình ảnh mỏ neo gợi lên sự liên tưởng có một sự bám chắc vào một vật nhất định. Khái niệm thiên kiến mỏ neo xuất phát từ hình ảnh này, nhằm nói lên thực tế một người đánh giá điều gì đó luôn dựa theo những thông tin liên quan đã gây ảnh hưởng với họ trước đó.

Bộ não con người luôn có khuynh hướng liên tưởng và thứ tự sự kiện chúng ta tiếp nhận sẽ quyết định hình thành nên những “mỏ neo” trong suy nghĩ của mình. Từ đó, chúng ta dễ có khuynh hướng nương theo “mỏ neo” này để đánh giá các sự việc khác.

2/ Thiên kiến xác nhận (confirmation bias)

Thiên kiến xác nhận nói lên rằng bạn luôn có khuynh hướng tìm kiếm thông tin, chứng cứ để củng cố điều bạn tin. Vì thế, bạn dễ dàng đồng tình với những điều phù hợp với nhận thức của bạn và dễ dàng bỏ qua, chỉ trích những thông tin trái chiều với nhận thức ấy mà không cần bất cứ sự kiểm chứng nào.

3/ Sự ngụy biện về chi phí chìm (sunk cost fallacy)

Có thể bạn đã đầu tư thời gian, tiền bạc, tình cảm vào điều gì hoặc ai đó và nó khiến bạn lo sợ phải chịu nhiều tổn thương khi mất đi. Nếu suy nghĩ của bạn cứ mãi bám dính vào những gì bạn đã bỏ ra thì sẽ càng khiến bạn đánh giá thiếu thực tế và khách quan. Bạn muốn bỏ đi cũng không thể vì tiếc. Điều này chẳng khiến bạn thu được lợi ích mà còn khiến bạn có nhiều nguy cơ đầu tư sai lầm hơn về sau.

4/ Hiệu ứng thùng rỗng kêu to (dunning-kruger effect)

Người biết nhiều thì càng thận trọng khi nói ra điều gì đó. Chẳng hạn như các nhà khoa học, họ sẽ rất thận trọng khi đưa ra kết luận nào đó vì họ hiểu một vấn đề luôn cần được quan sát, nghiên cứu ở nhiều góc độ chứ không chỉ dựa vào ý kiến chủ quan hoặc sự hiểu của một vài người. Trong khi đó, “thùng rỗng kêu to” chỉ những người chỉ dựa vào sự quan sát cá nhân hoặc một ít kiến thức họ có mà có thể nhận định tất cả mọi thứ trên đời và đáng nói là họ rất tự tin với những gì họ nói ra.

5/ Hiệu ứng phản tác dụng (backfire effect)

Niềm tin cốt lõi là thứ khó có thể thay đổi. Điều này nói lên rằng với những niềm tin phi lý đã được xây dựng ở ai đó, chúng ta khó có thể thay đổi bằng cách tấn công hệ niềm tin ấy của họ vì nó sẽ tạo hiệu ứng phản tác dụng. Khi hệ niềm tin bị tấn công thì nó sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn.

6/ Sự chối bỏ giá trị thực tại (declinism)

Chúng ta thường có khuynh hướng nhắc về quá khứ với ấn tượng những gì thuộc về quá khứ luôn tốt đẹp hơn hiện tại. Chúng ta luôn hoài niệm được sống trong không gian ngày xưa, văn hóa ngày xưa và cả cách con người ứng xử như ngày xưa mà quên nhìn nhận những gì tốt đẹp đang hiện diện. Có lẽ sự liên tưởng này khá quen thuộc: đó chính là những lời phàn nàn của thế hệ hiện tại về thế hệ con cháu và cho rằng thế hệ của mình an toàn hơn nhiều.

7/ Hiệu ứng “bói ra ma” (barnum effect)

Nghĩa dịch sang tiếng Việt là do mình đặt để dễ liên tưởng. Hiệu ứng này được đặt theo tên của nhà tâm lý học người Mỹ Bertram Forer. Năm 1948, ông đã viết ra một đoạn đại ý là đoán tính cách con người theo chiêm tinh học và kết quả là dường như ai cũng thấy có chính mình trong đoạn viết của nhà tâm lý học này. Vì sao? Theo cách giải thích của nhà tâm lý học Bertram Forer thì con người luôn có khuynh hướng cá nhân hóa những nhận xét chung chung và điền chính bản thân mình vào. Vì bộ não có khuynh hướng kết nối nên chúng ta thường dễ nhận lấy những mô tả ấy dành cho mình. Ở Việt Nam, chúng ta cũng đã quen với câu “bói ra ma, quét nhà ra rác”, nó cũng có kiểu vận hành như thế.

8/ Hiệu ứng đóng khung (framing effect)

Hiệu ứng này khá quen thuộc trong marketing, nghĩa là tạo sự liên tưởng trong khung mặc định. Ví dụ, một sản phẩm khi được giới thiệu ra thị trường sẽ đi cùng những hình ảnh định vị nên sản phẩm ấy là sản phẩm sang trọng, sạch sẽ, bổ dưỡng dựa vào bối cảnh xuất hiện của sản phẩm khi giới thiệu đến công chúng. Khách hàng tiềm năng, công chúng sẽ dựa vào đó để tin rằng sản phẩm xuất hiện trong một khung cảnh nào đó sẽ mang đầy đủ tính năng liên quan trong khi họ chưa biết rõ “nội dung” bên trong của sản phẩm.

Nguyễn Như Quỳnh

Tâm lý học truyền thông ([email protected]) – Hiểu về truyền thông qua lăng kính tâm lý học. Truyền thông khoa học về tâm lý. Củng cố sức khỏe tâm lý và gắn kết những mối quan hệ, tương tác khỏe mạnh.

 

No Comments

Sorry, the comment form is closed at this time.