Bảo vệ bản thân trong không gian mạng

Một thế giới với chằng chịt những liên kết mà nếu không có đủ kết nối chất lượng, mỗi chúng ta sẽ lửng lơ đến bao giờ trong vòng xoáy của thông tin? Nội dung giật gân, trò chơi của cảm xúc đua nhau tranh thủ sự chú ý trong vài chục giây và có khi lên đến vài giờ đồng hồ. Chúng ta chìm đắm trong ma trận và không biết bao nhiêu điều đang kích thích cảm xúc của mình.

Trượt trong cảm giác cô đơn

Không gian mạng cho chúng ta thêm một nơi để trải nghiệm. Bị động hay chủ động là câu chuyện của mỗi người. Chỉ là, khi không có sự chủ động thì chúng ta càng dễ bị kích động, bị tấn công, cho đến khi tinh thần kiệt quệ, cho đến khi chúng ta như quả bom sẵn sàng nổ tung những chất chứa.

Những chia sẻ sau có thể không xa lạ với nhiều người:

“Mạng xã hội khiến tôi thường xuyên bị nhấn chìm trong trò chơi so sánh. Tôi hiểu rằng trong trò chơi này sẽ không có người chiến thắng mà kẻ thua cuộc chính là tôi và tinh thần của mình”.

“Mạng xã hội của tôi đầy ắp hình ảnh ấn tượng từ người thân, bạn bè. Họ chia sẻ những phiên bản đẹp nhất của mình. Tôi nhìn thấy họ hạnh phúc và thành công hơn tôi biết bao nhiêu. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ đến bản thân và tự hỏi tôi đã bỏ lỡ những gì, tôi thất bại và kém cỏi ra sao”.

Thậm chí, thiếu những lượt thích, thả tim… hay bình luận cũng có lúc khiến chúng ta cảm thấy cô đơn, cảm giác mình không được yêu mến.

 

Bảo vệ mình giữa cơn lốc cảm xúc

 Tránh mạng xã hội khi tâm trạng tuột dốc

Khi tâm trạng không vui, hay chán nản, chúng ta có khuynh hướng cầm điện thoại lên vào mạng xã hội xem có gì hay ho không. Những clip giải trí sẽ đáp ứng điều này, giúp giải phóng dopamine (hormone hạnh phúc), tạo cảm giác hưng phấn, thích thú. Nhưng não chúng ta có cơ chế tự cân bằng, sau cảm giác hạnh phúc ấy lại là cảm giác chúng ta cảm thấy thiếu hụt hạnh phúc, lại chìm đắm trong những sự nối tiếp của hình ảnh, âm thanh hấp dẫn thu hút.

Chính lúc chúng ta cảm thấy cần bấu víu vào cảm giác thoải mái ấy nhất là lúc chúng ta dễ bị tấn công, kích động bởi những hình ảnh hạnh phúc của người khác nhất.

  1. Chọn lọc kênh theo dõi

Mạng xã hội là như một xã hội ngoài đời thực vậy, cũng có những nguồn lực mà chúng ta rất cần đến, nếu chúng ta biết cách chọn lọc theo dõi. Vẫn có thể có những mối quan hệ chất lượng nếu chúng ta chủ động chọn tương tác hiệu quả, trọn vẹn những mối quan hệ ấy.

Bằng cách chủ động gắn kết, theo dõi, chúng ta và họ cùng giữ nhịp cho nhau, cùng nhìn thấy nhau thay vì tất cả phải chịu áp lực thổi phồng, đánh bóng trong khi mình cảm thấy trống rỗng.

  1. Tập trung cuộc sống của mình

Khi chọn tham gia mạng xã hội, chúng ta xác định đây là toàn bộ cuộc đời mình hay đây là công cụ để mình tương tác với những người mình quan tâm.

Khi chọn lựa được rồi, chúng ta sẽ xác định điều mình cần tập trung cho cuộc sống cá nhân là gì. Bằng cách tập trung cho chính mình, mỗi người sẽ biết họ cần phải làm gì, làm điều đó vì mình khao khát từ động lực bên trong hay làm để chứng tỏ với ai khác.

Với mỗi việc hoàn thành, một người sẽ cảm nhận được cảm giác tự hào bởi mình đã vượt qua được khó khăn, gặt hái điều có giá trị (sense of achievement). Cảm giác này rất có ích trong việc củng cố lòng tự tôn cho mỗi cá nhân (self-esteem). Khi lòng tự tôn của mỗi người càng cao, họ sẽ bớt chú tâm đến việc so sánh bản thân với người khác. Họ thoải mái với thành công của người khác và sẽ quay lại tập trung cho câu chuyện của mình.

Nguyễn Như Quỳnh

Tâm lý học truyền thông ([email protected]) – Hiểu về truyền thông qua lăng kính tâm lý học. Truyền thông khoa học về tâm lý. Củng cố sức khỏe tâm lý và gắn kết những mối quan hệ, tương tác khỏe mạnh.

No Comments

Sorry, the comment form is closed at this time.