Không xao lãng

Không bị xao lãng (indistractable) sẽ là kỹ năng quan trọng nhất trong thế kỷ 21 này. Đây là nhận định từ tác giả Nir Eyal của quyển “Indistractable: How to Control Your Attention and Choose Your Life” (xuất bản năm 2019). Ông là người giảng dạy, tư vấn và viết cho các chuyên mục kết nối giữa tâm lý học, công nghệ và kinh doanh.

 

Nir Eyal mô tả bức tranh tương lai của thế giới dựa trên yếu tố “không bị xao lãng” và chia chúng ta thành hai nhóm người”: nhóm để cho sự chú tâm và cuộc đời mình bị kiểm soát và ép buộc bởi những người khác và nhóm tự hào vì bản thân không bị xao lãng, là nhóm có thể tập trung khi cần.

Quyển “Indistractable: How to Control Your Attention and Choose Your Life” đứng ở hai góc là truyền thông và tâm lý học để đặt vấn đề và giải quyết vấn đề.

Đặt vấn đề trong bối cảnh chúng ta không thể đứng ngoài cuộc với sự thay đổi, phát triển của công nghệ. Phía sau sự phát triển ấy là những sản phẩm cạnh trang từng giây từng phút sự chú ý của người dùng, bằng bất cứ giá nào. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải loại bỏ việc sử dụng công nghệ, nhưng ít nhất cần hiểu được phía sau những trào lưu, những ứng dụng, những chương trình thu hút người xem là gì từ góc độ thông hiểu truyền thông (media literacy) và làm sao để mình ổn trong thế giới số (digital wellbeing).

Giải quyết vấn đề là phần tác giả đi sâu vào câu chuyện mỗi cá nhân phải tự làm việc với chính mình. Hai phần mình cảm thấy hứng thú nhất là Phần 6 “Làm sao để nuôi dạy những đứa trẻ không xao lãng (và vì sao tất cả chúng ta đều cần đến dưỡng chất tâm lý”) và Phần 7 “Làm sao có được những mối quan hệ không xao lãng”.

Nir Eyal lấy ví dụ về con gái 10 tuổi từng bước học cách nhận diện khi nào nên dừng việc xem điện thoại mà không cần sự nhắc nhở của bố mẹ. Cô bé tự đưa ra những chỉ dẫn để bản thân tuân thủ, và đây là điều cô bé tự vạch ra, không phải do bố mẹ áp lên. Nir Eyal nhấn mạnh đến việc khơi gợi yếu tố thúc đẩy bên trong cá nhân, để cá nhân tự quyết định và tự chịu trách nhiệm. Vậy người lớn có vai trò gì khi đồng hành bên một đứa trẻ? Đó là giúp trẻ nhìn thấy những “nút bấm” kích hoạt sự xao lãng từ bên trong và bên ngoài.

Cụ thể, Nir Eyal đề cập Lý thuyết về sự tự quyết (self- determination theory) và lấy đây là lý thuyết giúp giải thích cho “nút bấm” kích hoạt sự xao lãng từ bên trong. Không có đủ quyền tự chủ để tự ra quyết định cho chính mình, sự hướng về hoặc tập trung cho năng lực để phát triển và sự liên quan ở mức độ mình quan trọng với người khác đồng thời người khác cũng quan trọng với mình, trẻ em sẽ trở nên mất tập trung để được cảm thấy xoa dịu về mặt tâm lý. Và khi đó, sự xao lãng với sức hút và các nội dung giải trí trên các thiết bị điện tử là điều khó tránh khi xung quanh, không ai hoặc không gì khác có thể làm “nguồn cung” cho mong muốn được ở bên cạnh này.

Vậy phải làm sao? Nguồn gốc đến từ sự khao khát những dưỡng chất tâm lý chứ không phải làm sao để ngăn chặn việc trẻ em tiếp xúc với thiết bị. Người lớn cũng không khác gì nếu giải thích dựa trên Lý thuyết về sự tự quyết (self- determination theory) ở trên.

Với người lớn thì tác giả Nir Eyal tập trung ở góc độ làm sao đặt sự xao lãng ra khỏi một mối quan hệ để mối quan hệ ấy là sự chú tâm tốt nhất có thể mà những người trong mối quan hệ dành cho nhau. Làm sao để hiện diện bên nhau một cách chân thành và yêu thương? Điều này cần sự thực hành và cảm nhận nhiều hơn là lý thuyết. Vẫn quay về với việc đặt mình ở vị trí mình đang tìm kiếm điều gì? Một mối quan hệ khỏe mạnh hay sự ràng buộc, hay chỉ là một tên gọi mà lướt nhanh qua trải nghiệm, quan sát, ở trong mối quan hệ ấy?

Nguyễn Như Quỳnh

Tâm lý học truyền thông ([email protected]) – Hiểu về truyền thông qua lăng kính tâm lý học. Truyền thông khoa học về tâm lý. Củng cố sức khỏe tâm lý và gắn kết những mối quan hệ, tương tác khỏe mạnh.

No Comments

Sorry, the comment form is closed at this time.