Điện thoại, mạng xã hội và “độc dược” dopamine

Dopamine được biết đến là “hormone hạnh phúc”, vì đâu mà dopamine trở thành “độc dược”? Lướt điện thoại không dừng và giật mình đã thấy vài tiếng đồng hồ trôi qua chóng vánh. Điều này có quen thuộc với bạn hay bạn thường thấy ở nhiều người xung quanh mình không? Không phải số ít mà rất nhiều người trong chúng ta đang “nghiện” cảm giác cầm điện thoại và lướt, đôi khi chẳng có mục đích gì mà lại tốn quá nhiều thời gian.

Những thuật toán và cách vận hành, tương tác trên mạng xã hội rất biết cách khai thác hệ thống tưởng thưởng trong não thông qua kích hoạt chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác dễ chịu tột bậc – dopamine. Dopamine là một chất hóa học trong não, được giải phóng khi có điều gì đó tích cực xảy ra với chúng ta. Đó là cách bộ não ghi nhớ những hành động cụ thể tạo nên những “phần thưởng” mang đến cảm giác thích thú, thúc đẩy chúng ta lặp lại những hành động ấy trong tương lai. Việc giải phóng dopamine có thể đến từ việc ăn một món ăn hấp dẫn, tập thể dục, hay nhìn thấy thông báo có ai đó tương tác nội dung bài đăng (thả tim, bấm nút thích hay bình luận chẳng hạn), chơi một game thú vị nào đó trên điện thoại.

Bạn hình dung việc tạo nên một “nếp” quen thuộc cho dopamine được giải phóng cũng giống như việc bạn lặp đi lặp lại một hành động thành thói quen và lâu dần không thể thoát ra khỏi. Ví dụ, việc lướt News Feed cho bạn rất nhiều kết nối mới, cập nhật rất sớm thông tin “hot” nhất ở thời điểm đó thì việc dừng lại, thoát khỏi ứng dụng mạng xã hội bạn đang dùng dường như là điều rất khó. Điều đó chẳng khác gì cắt đứt “nguồn cung” hormone hạnh phúc dopamine đang mang lại cảm giác dễ chịu cho bạn. Hay mỗi khi bạn nhận được thông báo từ điện thoại thì ngay lập tức lượng dopamine tăng lên, kích thích chúng ta kiểm tra liền và thường bạn sẽ ở lại lâu hơn vì có quá nhiều thứ hấp dẫn hiện lên cuốn bạn vào.

Sau khoảng hạnh phúc do dopamine tăng, chúng ta lại tiếp tục tìm kiếm “nguồn cung” để duy trì trạng thái dopamine tăng ấy và khó có thể đối diện với khoảng trầm xuống. Nhu cầu về dopamine là nhu cầu tự nhiên nhưng khi chúng ta không nhận biết được bản thân đang đẩy mình vào vòng lặp bất tận thì những hành động não buộc chúng ta lựa chọn đôi khi không phải là hành động giúp ích mà còn gây hại.

Hiện tượng bị kích thích quá nhiều bởi cảm giác mình có tin nhắn được các nhà khoa học gọi là “phantom text syndrome”. Người dùng cho rằng mình nghe hay cảm giác có tiếng chuông tin nhắn hay điện thoại có thông báo tin nhắn mà thật ra là chẳng có tin nhắn hay thông báo nào. Bộ não muốn bạn kiểm tra điện thoại nên nó tạo nên cảm giác này. Hội chứng này có thể được so sánh với cơn thèm hay thậm chí là cơn nghiện. Dù mạng xã hội tạo ra nền tảng thúc đẩy sự kết nối, sáng tạo, kiến thức thì người dùng phải luôn cẩn trọng với thời gian mình bỏ ra đồng thời hiểu rõ hệ thống tưởng thưởng hoạt động ra sao để tránh bị kẹt lại với sự hiện diện trên mạng xã hội, trong chiếc điện thoại thông minh bên mình.

Nếu bạn đang tiếp cận bài đăng này từ nền tảng mạng xã hội, có thể bạn sẽ nghĩ có điều gì đó mâu thuẫn chăng? Khái niệm “dọn sạch” hay detox mạng xã hội không có nghĩa bạn phải xóa hết tài khoản mạng xã hội. Bạn vẫn tận dụng mạng xã hội duy trì các kết nối quan trọng, cập nhật thông tin cần thiết và bên cạnh đó, bạn vẫn chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe của chính mình cả về thể chất lẫn tâm thần.

Nguyễn Như Quỳnh

Tham khảo

  1. Social media and dopamine: why you can’t stop scrolling 
  2. Why Are You So Addicted To Smartphones? 

Tâm lý học truyền thông ([email protected]) – Hiểu về truyền thông qua lăng kính tâm lý học. Truyền thông khoa học về tâm lý. Củng cố sức khỏe tâm lý và gắn kết những mối quan hệ, tương tác khỏe mạnh.

No Comments

Sorry, the comment form is closed at this time.