
22 Th3 Bẫy dopamine: Cảm giác dễ chịu và sự thỏa mãn tức thời
Chúng ta nghĩ rằng mình sẽ hạnh phúc khi có được thật nhiều sự dễ chịu. Đó là lý do chúng ta khó tránh “bẫy dopamine”. Quá nhiều sự dễ chịu cũng sẽ mang đến sự khó chịu, đó là cảm giác lo lắng hay chán nản. Nghịch lý này là vì đâu?
Wall Street Journal trong bài viết đăng tháng 8/2021 đã trích lại một phần nội dung từ quyển sách “Dopamine Nation: Finding Balance in the Age of Indulgence” mới ra mắt của nhà tâm thần học Lembke (ông cũng là Giáo sư đang làm việc tại Đại học Stanford). Tựa tiếng Việt của quyển sách này là “Giải mã hooc-môn dopanine: Sống cân bằng trong thời đại đầy cám dỗ).
Nội dung chia sẻ về một thân chủ là một chàng trai ngoài 20 tuổi, thông minh và có nhận thức sâu sắc. Người này rơi vào trạng thái lo lắng, chán nản. Anh này đang sống cùng cha mẹ và thỉnh thoảng có nghĩ đến chuyện tự tử. Hoạt động thường xuyên của anh ta là chơi video game mỗi ngày, đến tận đêm khuya.
20 năm trước, nếu Lembke nhận ca tương tự, ông sẽ kê toa thuốc chống suy nhược cho thân chủ. Tuy nhiên, với thân chủ là thanh niên ở trên, công đã đưa ra đề xuất khác hẳn: “cai nghiện” dopamine. Ông yêu cầu anh ta dừng tiếp xúc tất cả loại màn hình, nghĩa là dừng chơi game – thứ khiến anh ta thấy vô cùng thoải mái, trong một tháng.
Dopamine là chất dẫn truyền thần kinh và người ta quen gọi đây là “hormone hạnh phúc”. Dopamine khi được giải phóng nhiều sẽ tạo cảm giác hưng phấn, thích thú nhưng ngược lại, nếu mức độ dopamine thấp thì chúng ta sẽ mất động lực, giảm khả năng tập trung, sự nhiệt huyết.
Lembke nhận ra ngày càng có nhiều thân chủ rơi vào tình trạng như thân chủ này. Họ chán nản, lo lắng dù ở còn rất trẻ, rất khỏe, có một gia đình êm ấm, điều kiện kinh tế khá giả, có học thức. Vậy vấn đề ở đây không phải là tổn thương tâm lý, sự nghèo khó hay trục trặc trong các mối quan hệ xã hội. Vấn đề ở chỗ: có quá nhiều dopamine ở đây. Điều này tạo ra sự xáo trộn mà chính bản thân mỗi người khó nhận ra nếu họ không dành thời gian quan sát diễn tiến cảm xúc, tinh thần của mình.
Niềm vui và nỗi đau của chúng ta được xử lý ở những phần giống nhau của não, và não hoạt động để giữ cho niềm vui và nỗi đau ở trạng thái cân bằng. Điều này là một khám phá quan trọng từ các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học thần kinh nhiều thập kỷ qua. Mỗi khi cảm xúc của chúng ta quá nghiêng về một phía thì não sẽ giúp phục hồi lại trạng thái cân bằng, bằng cách nghiêng qua phía còn lại. Các nhà khoa học thần kinh gọi đây là sự cân bằng nội môi.
Trong số các nhà khoa học đóng góp cho khám phá trên có nhà tâm lý học Richard Solomon vào thập niên 1980 đã đưa ra ý tưởng về Lý thuyết tiến trình đối nghịch. Có thể hiểu là cứ khi nào bạn có một cảm xúc cụ thể thì bạn sẽ có một cảm xúc đối nghịch lại tiếp sau đó. Từ đó giúp giải thích vì sao chúng ta thấy vui vẻ, hạnh phúc đó rồi lại thấy chan chán, thấy xung quanh một màu u ám.
Vậy chúng ta cần làm gì khi đối diện với trạng thái này? Quan sát cảm xúc của mình cho đến khi tâm trạng quay về trạng thái cân bằng. Nếu chúng ta không kiên nhẫn chờ đợi mà quay lại tìm ngay cảm giác dễ chịu để trốn tránh cảm giác khó chịu thì ngày qua ngày, điểm thiết lập sự vui thích, dễ chịu, hưng phấn của não sẽ thay đổi.
Nhân vật trong trường hợp chơi game không phải để tìm kiếm điều gì đó vui thích mà là phải chơi game để được cảm thấy bình thường, bù lắp những cảm giác “tiêu cực”. Quá trình này giống như một vòng lặp vậy.
Nhưng nguy hiểm ở chỗ, nếu cố gắng thoát khỏi vòng lặp ấy, chúng ta có thể phải đối diện với những triệu chứng phổ biến khi cố gắng thoát khỏi chất gây nghiện như: lo lắng, khó chịu, bứt rứt, thôi thúc phải thỏa mãn ngay.
Những nhà khoa học khi nghiên cứu hiện tượng này cho biết bộ não của chúng ta đã phát triển sự cân bằng tinh tế này qua hàng triệu năm, khi niềm vui và sự vui thích còn hiếm hoi còn điều kiện sống còn rất nhiều mối nguy hiểm đe doa. Vấn đề của thời đại ngày nay là chúng ta đang sống trong sự thừa mứa cách thức giúp chúng ta cảm thấy dễ chịu ngay tức thời.
Sự tiện lợi của giải trí thông qua các thiết bị công nghệ. Những thiết bị này được ví như vật bất ly thân của nhiều người, vừa để tương tác nhanh chóng, vừa lướt xem vô số hình ảnh, clip với đa dạng nội dung, cập nhật thông tin từ sốt dẻo nhất.
Rất khó để khẳng định rõ 100% về nguyên nhân và hậu quả khi chúng ta chỉ chú tâm xoay quanh dopamine. Tuy nhiên, cách mà Giáo sư Lembke lựa chọn để làm việc cùng thân chủ là yêu cầu anh ta cai game trong một tháng, để não phục hồi lại chức năng cân bằng dopamine. Điều này không hề dễ dàng ngay tức thì nhưng về lâu dài, đây là cách giúp anh ta thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Cụ thể, thanh niên này học cách phân chia thời gian tương tác trên các thiết bị công nghệ, xác định chơi game với bạn thay vì ngồi hàng giờ liền chỉ chơi với người lạ. Việc chơi game ấy chỉ là cách để anh kết nối với bạn bè và nó mang lại cho anh ta niềm vui bởi các kết nối người với người là nguồn kết nối mạnh mẽ, chính đáng.
Với một chiếc điện thoại hay một thiết bị điện tử trong tay, bạn dễ có cảm giác mình có cả thế giới bởi sự tiện lợi với vô vàn tính năng hữu ích. Nhưng hãy luôn nhớ đến cơ chế cân bằng của não để tránh rơi vào vòng lặp nghiện thiết bị điện tử – chán nản, trì trệ, lo lắng – tìm đến màn hình và càng chán nản hơn.
Tâm lý học truyền thông ([email protected]) – Hiểu về truyền thông qua lăng kính tâm lý học. Truyền thông khoa học về tâm lý. Củng cố sức khỏe tâm lý và gắn kết những mối quan hệ, tương tác khỏe mạnh.
Sorry, the comment form is closed at this time.