08 Th8 Câu chuyện về sức khỏe tâm thần: Một công cụ để tiếp thị?
Các cuộc trò chuyện cởi mở về sức khỏe tâm thần là vô cùng cần thiết và những nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội chính là những người có thể đóng vai trò quan trọng trong việc bắt đầu các cuộc trò chuyện này. Tuy nhiên, ranh giới giữa việc nâng cao nhận thức và tiếp thị đôi lúc lại quá mờ nhạt.
Tìm đọc một số bài về tâm lý học truyền thông thì đọc được một bài khá mới (đăng ngày 21/11/2022): “Trầm cảm có phải là công cụ tiếp thị? Khi những người có sức ảnh hưởng đến công chúng khiến đối thoại về sức khỏe tâm thần đi quá xa và quá sai”. Tựa bài gốc là: “Depression as a marketing tool? When influencers get the mental health conversation wrong”. Bài phản ánh đúng những gì đang diễn ra.
Tựa bài thẳng băng, đúng với nhiều câu chuyện đang diễn ra chung quanh. Nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần là cần thiết, để ít nhất mỗi người không cảm thấy mình đơn độc trong nỗ lực nâng đỡ hoặc tìm ai đó nâng đỡ, đồng hành cùng.
Nhưng, không phải cứ truyền cảm hứng vượt qua khó khăn là chắc chắn giúp ích được. Không phải ai kể câu chuyện bản thân vượt qua trầm cảm thì họ sẽ hiểu được khó khăn mà người khác đang đối diện. Cũng có nghĩa là, một người cho rằng mình đã vượt qua trầm cảm không đương nhiên được gọi là chuyên gia về tâm lý. Sự không rõ ràng, thiếu những chứng cứ và thiếu sự thực hành tạo nên những làn sóng xu hướng, và vô tình, chúng ta lại bị nhấn chìm thêm nhiều lần nữa, sâu hơn.
Bài viết “Depression as a marketing tool?…” lấy ví dụ một số câu trích dẫn (cũng chẳng biết trích dẫn từ ai) mà đọc phải bật cười. Vì nó đúng là xu hướng đang “thống trị” mạng xã hội. Câu trích dẫn không có lỗi, nó là đúc kết của sự trải nghiệm của cá nhân nhưng với sức lan tỏa của phương tiện truyền thông là mạng xã hội, nó trở thành kim chỉ nam cho số đông. Rủi ro và hoang mang từ đây mà ra.
Câu ví dụ được đề cập được rút ra từ nội dung đăng tải của Cathy Hummels, một người có sức ảnh hưởng (influencer) nhân chuyến nghỉ dưỡng của cô: “Hãy hướng về phía mặt trời và cái bóng sẽ đổ về phía sau bạn” (có phải cứ đọc câu này thì sẽ bước qua được những ngày khó khăn?!). Đi kèm theo đó là câu dẫn: “Một yếu tố có thể giúp là ánh sáng. Mặt trời. Hãy cùng tỏa sáng nào. Hãy đến với gói nghỉ dưỡng “Sun & Soul”. Lời giới thiệu như thể hãy đi nghỉ dưỡng và trầm cảm sẽ lùi xa?!
Cathy Hummels từng kể rằng mình chịu đựng trầm cảm khi còn ở tuổi vị thành niên và luôn sống trong cảm giác lo lắng. Điều này dù là sự thật cũng không có ý nghĩa gì đến việc cô ấy có thể giúp được người khác. Với thông điệp cô ấy gửi đi, liệu người đọc sẽ hiểu được gì? Đoạn trên được đăng lên Instagram nhưng sau đó đã được gỡ.
Nhóm thiện nguyện Deutsche Depressionsliga với các hoạt động về sức khỏe tâm thần (do một số người đang chung sống với trầm cảm điều hành) đã đưa ra thông cáo phản hồi nội dung trên: “Trầm cảm không phải là công cụ để tiếp thị”. Họ nhấn mạnh rằng trầm cảm (rối loạn trầm cảm) thông qua cách truyền thông của nhiều người nổi tiếng hoặc các kênh phổ biến khiến chúng ta hiểu lầm rằng đây là điều gì đó rất thoáng qua, dễ đến và dễ đi (bằng một vài dịch vụ, sản phẩm nào đó thì sẽ dứt trầm cảm chẳng hạn).
Nhưng thực tế không phải vậy.
Gần đây có nhiều trường hợp lấy câu chuyện bản thân hoặc người thân thiết vượt qua một rối loạn tâm thần để khởi nghiệp một ứng dụng, một công ty, dịch vụ về chăm sóc sức khỏe tâm thần. Điều này sẽ rất có ích nếu người mang niềm cảm hứng ấy thật sự đào sâu, tìm hiểu tâm lý học là gì, các hướng tiếp cận hỗ trợ, chứ không phải chỉ là một hay một vài câu chuyện được lan tỏa.
Rất tiếc khi nhìn thấy những trường hợp lẽ ra đã có thể bước đi những bước vững vàng hơn nếu không bị kéo trôi đi bởi những câu chuyện truyền thông về các rối loạn tâm thần hoặc đi lạc luôn trong khi chất đầy những câu quotes bên mình.
Lựa chọn tìm kiếm gì, đọc gì, tin gì, làm gì, là quyền lựa chọn và trách nhiệm của mỗi người với lựa chọn của họ. Chủ động giúp bản thân tiếp cận nguồn thông tin giúp ích cũng là cách mỗi người tự giúp bản thân rồi.
Tham khảo:
1. Depression as a marketing tool? When influencers get the mental health conversation wrong
2. How Do TikTok and Other Social Media Sites Promote Depression As A Marketing Tool?
Tâm lý học truyền thông ([email protected]) – Hiểu về truyền thông qua lăng kính tâm lý học. Truyền thông khoa học về tâm lý. Củng cố sức khỏe tâm lý và gắn kết những mối quan hệ, tương tác khỏe mạnh.
Sorry, the comment form is closed at this time.