
14 Th5 Đã lâu không… BUZZ!!!
Thỉnh thoảng mình nhớ tính năng treo status trên Yahoo! Messenger. Người dùng tự chọn trạng thái. “Available” hay “invisible”, những từ trở nên quen thuộc cũng từ YM. Bạn trong danh sách cũng sẽ nhìn trạng thái đó để chọn nhắn hay không, hoặc thỉnh thoảng “Ê!” Buzz nhau một cú giật mình.
Nhiều biểu tượng đi kèm âm thanh và hình ảnh tạo những niềm vui nho nhỏ, cũng có chút nhu cầu thỏa mãn tức thời với dopamine trong tâm trí nhưng không nhiều.
Hay người dùng treo trạng thái bằng một link nhạc, ai thích bấm vô cùng nghe. Cảm giác có sự kết nối nhưng vẫn có một khoảng riêng của mỗi người.
YM thuần để kết nối. Nó không được tạo ra để kích thích những nhu cầu khác, trong đó có nhu cầu thỏa mãn tức thời (rất lớn, rất dồn dập), nhu cầu được ghi nhận, nhu cầu nhìn thấy mình được thuộc về (một nhóm, một xu hướng) như vô số ứng dụng hiện tại.
Blog Yahoo!360 cũng mang cái chất như YM. Mình nhớ nhất chức năng cài bài nhạc tùy thích ở trang chủ cá nhân. Mình cài bản “Girl I’m Gonna Miss You”, thỉnh thoảng mình vẫn bấm nghe lại và tự động nhớ về trang chủ ngày xưa.
Thay đổi là hiển nhiên, như một dòng chảy liên tục. Sự thay đổi nào cũng mang đến sự so sánh, và thứ ở lại với mỗi người chính là một, một vài hoặc nhiều trải nghiệm không quên. Cảm giác thuộc về, đó chính là điều khiến những kết nối trở nên có hồn, bởi rõ ràng chúng ta đã chứng kiến quá nhiều trạng thái mất kết nối dù rằng vẫn đang được kết nối, mạng vẫn mạnh và sóng vẫn đủ. “Kết nối” chất lượng trở thành thứ xa xỉ. Nó được nhắc đến nhiều hơn và nhiều đến nỗi trở nên khiên cưỡng, trống rỗng.
Sự tiện lợi không đi cùng với chất lượng, trừ khi người dùng hiểu được từng tương tác của mình đều lấy ở bản thân một phần năng lượng, một phần của sự chú tâm. Sự tiện lợi ấy nếu đi cùng sự hời hợt sẽ bào mòn năng lượng, cảm xúc, và bào mòn sợi dây kết nối vốn đã chịu quá nhiều căng chùng bởi vô vàn đan xen, rối nhiễu từ bên ngoài.
Tâm lý học truyền thông ([email protected]) – Hiểu về truyền thông qua lăng kính tâm lý học. Truyền thông khoa học về tâm lý. Củng cố sức khỏe tâm lý và gắn kết những mối quan hệ, tương tác khỏe mạnh.
Sorry, the comment form is closed at this time.