04 Th2 GONGBANG, MUKBANG, ASMR – Chúng ta cô đơn hay chúng ta đang học cách… một mình?
Bài viết này không đi tìm câu trả lời, chỉ để người trong cuộc nhìn lại, tìm câu trả lời cho chính mình khi mình đang là người trong cuộc, có mặt trong một thế giới số rộng lớn.
Cần ai đó bên cạnh
Nếu vô tình lướt xem ai đó đang chăm chú theo dõi một người xa lạ thưởng thức một món ăn ngon lành, có thể chúng ta sẽ bật ra câu hỏi: “Để làm gì?”. Có khi người đang xem ấy cũng chẳng nhận ra hết lý do vì sao. Cho đến khi, người đặt câu hỏi dừng lại xem cũng những nội dung ấy, có thể họ cũng bị cuốn vào lúc nào không hay.
Trào lưu trên không mới, thậm chí là đã cũ, có tên là “Mukbang” (vừa ăn vừa ghi hình), được cho là trào lưu từ Hàn Quốc. Điểm rơi của trào lưu này là năm 2015 khi “Mukbang” trở thành hiện tượng ở nhiều nơi trên thế giới. Nhiều người quan sát cho rằng người Hàn xem việc ăn uống là một hoạt động có tính xã hội, người ta không ăn một mình mà luôn muốn có người bên cạnh để ăn cùng, trò chuyện. Đó là lý do “Mukbang” trở thành hiện tượng.
Một trào lưu mới hơn là “Gongbang” (vừa học vừa ghi hình) được cho là phiên bản phát triển hơn của “Mukbang” bởi kết nối giữa người ghi hình và người xem trong thời gian dài hơn. Trong đó, người ghi hình sẽ chú tâm bên góc học tập, họ đọc và viết trong khoảng thời gian dài. Từ đó tạo động lực tập trung cho người theo dõi. Trên YouTube, cứ gõ “Study with me” sẽ rất nhiều kênh học tập như thế. Có thể chủ kênh để âm thanh thô, không lồng nhạc hoặc họ chọn lồng những đoạn nhạc thư giãn. Một số chủ kênh thì dùng kèm kỹ thuật quản lý thời gian Pomodoro, có những khoảng nghỉ thích hợp sau từng khoảng dài tập trung học.
“Gongbang” bắt đầu được chú ý trong khoảng 4 năm trở lại với các chủ kênh như “Dr. Sarang Choi”, “TheStrive Studies”. Khi giãn cách khiến việc làm ở nhà, học ở nhà phổ biến thì số video “Gongbang” càng xuất hiện nhiều bởi nó đáp ứng nhu cầu kết nối của mọi người.
ASMR và cảm giác được xoa dịu
Nghiên cứu về “Mukbang” hay “Gongbang” vẫn đang là đề tài rất được quan tâm bởi còn nhiều khía cạnh mới mẻ cần tìm hiểu. Trong đó có hướng tiếp cận mối liên hệ với ASMR. Khi quan sát các video “Mukbang”, “Gongbang”, người ta thấy được điểm chung là có sự hiện diện về hình ảnh và âm thanh. Về hình ảnh, đó là hoạt động ăn, học diễn ra liên tục. Về âm thanh, chủ kênh rất biết tận dụng nhấn nhá âm thanh trong hành động, tiếng nhai thức ăn, tiếng bát đũa khua vào nhau, tiếng lật giấy sột soạt…
Điều thú vị là khái niệm ASMR (Autonomous Sensory Meridian Response – Phản ứng cực khoái cảm giác tự sinh) không phải do các nhà nghiên cứu đặt ra mà do Jennifer Allen, một cô gái quan tâm đến cảm giác do ASMR mang lại. Cô đã có những trải nghiệm được xoa dịu khi nghe âm thanh ASMR nhưng không biết là gì. Cô tìm kiếm thông tin cũng không có câu trả lời thỏa mãn nên cô đã tự đặt tên cho cảm giác ấy là ASMR. Ở thời điểm Jennifer Allen đưa ra khái niệm ASMR năm 2010, nhiều người đồng tình chia sẻ rằng họ có được cảm giác an toàn, dễ chịu khi họ lắng nghe những âm thanh rất đời thường, hoặc tập trung theo dõi một hoạt động ai đó đang thực hiện.
Giáo sư Craig Richard chuyên về khoa học dược phẩm sinh học thuộc Đại học Shenandoah đã nghiên cứu về ASMR từ năm 2013. Vì quá hứng thú với đề tài này, ông đã lập ra trang web ASMR University, đào sâu tìm hiểu về khái niệm trên. Ông so sánh hành vi trong ASMR tương đương với cách cha mẹ chăm sóc một đứa trẻ: với tông giọng nhẹ, ấm áp, với đầy sự quan tâm. Trong các khảo sát của mình, Giáo sư Craig Richard nhận được trả lời của nhiều người rằng họ rất thích được “chạm” bởi âm thanh.
Tiến sĩ Stephen Smith, nhà tâm lý học làm việc tại Đại học Winnipeg đã tiến hành nghiên cứu ASMR thông qua chụp cộng hưởng từ. Theo Tiến sĩ Stephen Smith, kết quả chỉ ra rằng có sự tương đồng trong phản ứng não khi trải nghiệm ASMR nếu so với các phương pháp thư giãn khác như tĩnh tâm. Điều này giải thích lý do vì sao có nhiều người có được cảm xúc tích cực và sự dễ chịu khi trải nghiệm với ASMR.
Từ đó lý giải được vì sao trào lưu mới hiện nay chính là tìm kiếm những âm thanh dễ chịu để người ta cảm nhận sự thân mật dù chẳng tương tác, tiếp xúc. Người làm nội dung, chủ kênh vì thế càng ra sức đầu tư, từ nội dung đến chất lượng âm thanh, âm thanh càng chân thật càng cuốn hút.
“Chạm” và hiện diện
Có một vòng lặp oái oăm là ngày càng có nhiều kết nối trực tuyến thúc đẩy con người tương tác, thì con người càng cảm thấy mình cần nhận sự chú tâm, ở bên hơn bao giờ hết. Nhưng trong thời đại những kết nối số thay đổi cách con người giao tiếp thì lại dẫn đến việc con người muốn tách biệt, nhưng… họ không muốn cô đơn. Nghĩa là, con người muốn một mình, tự do, yên tĩnh, nhưng lại không thể ngắt kết nối với thế giới bên ngoài, vì thế ASMR trở thành xu hướng được ưa chuộng. “Mukbang” hay “Gongbang” và những hình thức tương tự trở thành trào lưu.
Dần dần, xu hướng tìm kiếm cảm giác hạnh phúc, an lạc trong thế giới số trở thành điều tất yếu. Người ta đặt tên là “Digital Happiness”, “Digital Wellbing” hay “Positive Computing”… Tên gọi không quan trọng bằng việc chúng ta đang đối diện với làn sóng những công cụ, ứng dụng nào để chiều lòng mình? Giờ đây, không chỉ có blog mà những nội dung trực tiếp hay tường thuật lại trên YouTube hay các ứng dụng podcast đang từng bước đi vào cuộc sống. Nó chính là công cụ kết nối những cá nhân trong các không gian khác tụ hội lại ở một không gian chung. Đó là nơi chúng ta có thể “chạm” vào nhau và hiện diện bên cạnh.
Khả năng có thể ở một mình mà không cảm thấy cô đơn là một bước rất quan trọng để mỗi người có thể cảm thấy dễ chịu với chính bản thân mình. Vậy mỗi người sẽ có được sự dễ chịu ấy nhờ vào thiết bị số hay nhờ vào việc học cách khám phá, chấp nhận chính mình?
Tâm lý học truyền thông ([email protected]) – Hiểu về truyền thông qua lăng kính tâm lý học. Truyền thông khoa học về tâm lý. Củng cố sức khỏe tâm lý và gắn kết những mối quan hệ, tương tác khỏe mạnh.
Sorry, the comment form is closed at this time.