Nơi uy tín nhưng cũng có thể… TRUYỀN THÔNG SAI về trầm cảm

Một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Psychopathology chỉ ra xu hướng đáng lo ngại về cách truyền thông về trầm cảm. Nghiên cứu phát hiện các tổ chức sức khỏe lớn và uy tín lại thường cung cấp thông tin sai lệch, mô tả trầm cảm như một rối loạn gây ra các triệu chứng thay vì gọi tên và mô tả cụ thể từng triệu chứng. Với các phát hiện này, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải có sự truyền thông rõ ràng hơn về chẩn đoán sức khỏe tâm thần. Tựa gốc nghiên cứu là: “A Descriptive Diagnosis or a Causal Explanation? Accuracy of Depictions of Depression on Authoritative Health Organization Websites”.

Động lực tiến hành nghiên cứu đến từ việc họ nhận ra vấn đề nghiêm trọng khi nhiều tổ chức uy tín truyền thông không chính xác đến công chúng về trầm cảm cũng như về các chẩn đoán tâm thần khác. Nhiều tổ chức uy tín mô tả trầm cảm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến “tuột mood” hay các biểu hiện khác, tạo nên vòng lặp nguyên nhân-hệ quả khiến người trong cuộc cảm thấy cứ quẩn quanh, rối rắm. Từ đó gây cản trở cho cá nhân khi họ tăng cường sự hiểu biết về sức khỏe tâm thần hay mong muốn tìm kiếm sự giúp đỡ, hỗ trợ phù hợp.

Cụ thể, nếu cá nhân hiểu sai, tin rằng các biểu hiện trầm cảm là do một quá trình bệnh lý từ bên ngoài gây ra, họ có thể cảm thấy ít có hi vọng vào khả năng giải quyết, dẫn đến cảm giác bất lực, không hiểu hay không đối diện được với khổ đau của bản thân. Vì thế họ khó lòng đi tiếp đến một chiến lược đối phó hiệu quả hoặc tạo ra những thay đổi có ý nghĩa trong cuộc đời. 

Trong khi đó, ở góc độ nhóm nghiên cứu, trầm cảm là một tình trạng sức khỏe tâm thần phức tạp bao gồm cảm giác buồn bã dai dẳng, mất hứng thú hay mất niềm vui trong các hoạt động, gặp hàng loạt vấn đề về thể chất lẫn cảm xúc. Không giống như bệnh về thể chất với những nguyên nhân có thể xác định được, trầm cảm được chẩn đoán dựa trên tập hợp các biểu hiện hơn là xác định một nguyên nhân rõ ràng. Tập hợp các biểu hiện đó có thể bao gồm những thay đổi ở nền giấc ngủ, ở cảm giác thèm ăn, ở mức năng lượng, sự tập trung, hành vi hàng ngày hoặc lòng tự tôn.

Dù không có nguyên nhân duy nhất nhưng trầm cảm ảnh hưởng đáng kể đến khả năng thực hiện chức năng trong đời sống hàng ngày và có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng nếu không được nhìn nhận đúng mực. Tiến sĩ Jani Kajanoja (Đại học Turku) nói rằng: “Chẩn đoán trầm cảm mô tả về một vấn đề mà vấn đề ấy đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không giải thích được nguyên nhân cụ thể gây ra tâm trạng chán nản là gì”.

Nhóm nghiên cứu thực hiện theo phương pháp phân tích nội dung, tìm hiểu một số trang web (tiếng Anh) của một số tổ chức uy tín mà nhiều người thường tìm kiếm thông tin nhắc đến trầm cảm như thế nào. Các trang được chọn là các trang của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hiệp hội Tâm lý học Hoa kỳ (APA), Dịch vụ Sưc khỏe công của Anh (NHS), các đại học có tiếng như Harvard, Johns Hopkins, v.v.. Nội dung mô tả trầm cảm được phân thành 3 nhóm: giải thích theo nguyên nhân, mô tả thuần túy và không xác định.

Kết quả cho ra, không nơi nào nhắc đến trầm cảm như một chẩn đoán mang tính mô tả. Thay vào đó, ở 53% trong số các trang web được nghiên cứu trầm cảm được nhắc như là nguyên nhân gây ra các biểu hiện mà lẽ ra các biểu hiện này chỉ đóng vai trò mô tả cho chẩn đoán trầm cảm. Ví dụ WHO cho rằng trầm cảm “có thể khiến người bị ảnh hưởng phải chịu đựng rất nhiều và hoạt động kém trong công việc, ở trường học và trong gia đình”. Hay APA mô tả: “trầm cảm gây ra cảm giác buồn chán, mất hứng thú vào các hoạt động mà một người từng rất thích thú”. 47% còn lại sử dụng ngôn ngữ mơ hồ, không khẳng định trầm cảm dẫn đến một số biểu hiện và cũng không nhấn mạnh đến những mô tả biểu hiện cụ thể.

Nhóm nghiên cứu đề xuất những tổ chức uy tín, nơi nhiều người trông cậy và tìm kiếm thông tin, hãy truyền thông làm sao có thể giúp được cá nhân có cơ hội đào sâu tìm hiểu thay vì kết luận vội vàng một vài điều gì đó ở bản thân.

Một nghiên cứu công bố năm 2023 đã đề xuất hướng tiếp cận giúp ích hơn cho những ai đang lo lắng bản thân mắc kẹt trong trầm cảm. Thay vì xác định đây là bệnh, rối loạn chức năng thì nhóm nghiên cứu chọn góc tiến cận đây là “tín hiệu cần chú ý”. Với hướng này, một người có nhiều lựa chọn hơn trong chiến lược nâng đỡ, chăm sóc bản thân với mục tiêu khôi phục hoặc bật dậy. Nghiên cứu này có tựa gốc là: “Framing depression as a functional signal, not a disease: Rationale and initial randomized controlled trial”. Nhóm tác giả cũng nêu ra việc họ không hạ thấp yếu tố về sinh học, hóa học hay di truyền khi xét các yếu tố liên quan đến trầm cảm nhưng việc nêu ra hướng tiếp cận không xem đây là bệnh có thể được cân nhắc. Theo nghiên cứu trên, cách tiếp cận “tín hiệu cần chú ý” thúc đẩy cá nhân có động lực làm điều gì đó để thay đổi.

Nguyễn Như Quỳnh 

Tham khảo:

  1. Alarming study exposes major flaw in how top health organizations describe depression
  2. Framing depression as a functional signal, not a disease: Rationale and initial randomized controlled trial
  3. A Descriptive Diagnosis or a Causal Explanation? Accuracy of Depictions of Depression on Authoritative Health Organization Websites

Tâm lý học truyền thông ([email protected]) – Hiểu về truyền thông qua lăng kính tâm lý học. Truyền thông khoa học về tâm lý. Củng cố sức khỏe tâm lý và gắn kết những mối quan hệ, tương tác khỏe mạnh.

No Comments

Sorry, the comment form is closed at this time.