Cô đơn giữa “chốn đông người”

Thời gian trên mạng có thể kết nối chúng ta một cách kinh ngạc nhưng nó đồng thời cũng khiến chúng ta trở nên cô đơn hơn bao giờ hết.

Một vài lần vô tình nhìn cách người ngồi bên cạnh tương tác với hoạt động của bạn bè trên news feed. Trong tích tắc nhìn cách họ thao tác, mình nhìn thấy họ đã kịp “like”, “tim” mà chẳng kịp đọc hết nội dung. Nó nhanh hơn rất nhiều tốc độ đọc trọn vẹn câu chữ mình vừa viết. Nó khiến mình giật mình hình dung những lần mình tương tác và nhận tương tác.

Facebook có tính năng nhắc sinh nhật. Một ngày đẹp trời (là ngày sinh nhật chẳng hạn), bạn nhận được rất nhiều lời chúc mừng, điều ấy khiến bạn cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Nhưng liệu đến cuối ngày, hoặc sang ngày mới, cảm giác của bạn là gì? Lâng lâng? Cô đơn? Có rất nhiều người có cảm giác vô cùng cô đơn dẫu họ vẫn cảm nhận được tình cảm ấm áp từ những lời chúc họ nhận được ngày trước đó.

Nếu có những trải nghiệm như trên, bạn không phải là người duy nhất hoặc trong sốt ít. Tình trạng siêu kết nối tạo ra vô vàn mâu thuẫn. Bạn tưởng bạn kết nối dễ dàng nhưng nó lại khiến bạn có cảm giác cô đơn. Chuyên gia tâm thần học Elias Aboujaoude (Đại học Standford) từng viết về sự giao nhau giữa tâm lý học và công nghệ: “Những công nghệ liên quan đến mạng Internet cho chúng ta khái niệm rất tốt về sự kết nối”. Nhưng đó chỉ là những kết nối trên không gian mạng, có thể hiểu là kết nối vật lý. Chuyên gia này nói rõ thêm: “Thời gian và năng lượng được dùng cho vô vàn kết nối trên mạng xã hội thật ra được trả giá bằng những mối quan hệ thật sự thân thiết, có giá trị nâng đỡ và vô cùng sâu sắc”.

Cô đơn xưa nay vốn là trải nghiệm khó tránh, là một trong những trải nghiệm chính yếu của mỗi người trong quá trình trưởng thành. Chúng ta dĩ nhiên không thể đổ lỗi cho công nghệ khiến chúng ta cô đơn. Nhưng cách chúng ta tương tác với công nghệ đã định hình trải nghiệm cô đơn mà chúng ta chẳng thể chối bỏ. Nó tạo ra những ảo tưởng về kết nối nhưng sự thật thì không phải mọi tương tác đều tạo ra kết nối như chúng ta mong đợi.

Không dễ để không kỳ vọng vào một thứ gì đó có thể đo đếm dễ dàng trước mắt. Tương tác trên mạng xã hội tạo ra cái bẫy như thế. Nó vô tình “viết” nên logic rằng sự thành công cần một mạng lưới rất nhiều tương tác. Giáo sư lịch sử Susan Matt (Đại học Weber State) chuyên nghiên cứu về lịch sử cảm xúc đã nhìn thấy điều trên và viết: “Các bộ kỳ vọng khi thiết lập nên sẽ khiến con người có trải nghiệm cô đơn tồi tệ hơn”.

Công ty dịch vụ sức khỏe Hoa Kỳ Cigna năm 2018 từng làm nghiên cứu với một nhóm người có sử dụng mạng xã hội và họ kết luận rằng: Một người nếu thường xuyên những tương tác trực tiếp ngoài đời sẽ bớt cô đơn hơn những người dành nhiều thời gian hơn để tương tác qua mạng. Công nghệ có thể giúp tạo ra, củng cố những kết nối ý nghĩa nhưng không thể trông chờ công nghệ thay thế toàn bộ cách con người tương tác.

Một nghiên cứu từ Đại học Oxford năm 2016 (trên đối tượng sinh viên) từng chỉ ra rằng trong số 150 người bạn trên Facebook thì chỉ có trung bình 4 người là những người bạn mà bạn có thể trông dựa vào. Đó là người bạn mà bạn có thể nhờ vả trong tình huống khẩn cấp hoặc chỉ là để bạn trút bầu tâm sự. Những nghiên cứu tương tự đều cho thấy sâu xa của khái niệm hạnh phúc đó chính là có những mối quan hệ lành mạnh, là những mối quan hệ mà bạn có thể tin tưởng, khiến bạn cảm thấy an tâm.

Dù muốn hay không, mỗi người chúng ta cũng đều có những vòng tròn mối quan hệ của riêng mình. Dù bạn muốn mở lòng chia sẻ, muốn làm người bạn thật sự của tất cả thì thời gian cũng như những điều kiện khác của bạn cũng không cho phép bạn có thể “có mặt” với tất cả những người bạn trên mạng xã hội.

Sẽ càng cô đơn nếu bạn lầm tưởng và trông chờ, kỳ vọng rằng mối quan hệ phải thật sự tỷ lệ thuận với số lượng tương tác nhìn thấy được mà quên đi những tương tác thật hơn mà bạn bỏ quên, thiếu sự chăm sóc.

Những mối quan hệ lành mạnh thật sự là điều mỗi người chúng ta rất cần đến, nhưng việc chấp nhận sự cô đơn như nó vốn là sẽ giúp chúng ta rất nhiều, thay vì hoàn toàn chối bỏ nó.

Nguyễn Như Quỳnh

 

Tâm lý học truyền thông ([email protected]) – Hiểu về truyền thông qua lăng kính tâm lý học. Truyền thông khoa học về tâm lý. Củng cố sức khỏe tâm lý và gắn kết những mối quan hệ, tương tác khỏe mạnh.

No Comments

Sorry, the comment form is closed at this time.