Giáo trình Tâm lý học truyền thông (cập nhật 2025)

Giáo trình tâm lý học truyền thông (liên tục được cập nhật) là những tài liệu được tập hợp và giới thiệu nhằm cung cấp đến bạn đọc những lý thuyết, nghiên cứu nền tảng và cập nhật trong lĩnh vực này. Tâm lý học truyền thông nghiên cứu những ảnh hưởng, tác động, tương tác của con người khi tiếp nhận cũng như sáng tạo truyền thông.

Bạn đọc quan tâm có thể tham khảo những quyển sách được giới thiệu ở bài viết này.

1. Understanding media psychology (2021)

“Understanding media psychology” là giáo trình nhập môn hoàn hảo cho lĩnh vực tâm lý học truyền thông đang ngày càng phát triển. Tầm quan trọng của tâm lý học truyền thông trong xã hội ngày càng được nâng cao vì con người hiện nay đang đối diện với bối cảnh sống với rất nhiều thử thách song song với sự thuận tiện của công nghệ. Quyển sách này tóm tắt các khái niệm và lý thuyết chính nhằm cung cấp cái nhìn tổng quan về các chủ đề trong lĩnh vực này.

Sách được viết bởi nhóm tác giả là chuyên gia trong nhiều năm của lĩnh vực tâm lý học truyền thông (Gayle S. Stever, David C. Giles, J. David Cohen), cung cấp cả góc nhìn lý thuyết lẫn góc nhìn thực tế. Qua đó, nhóm tác giả đề cập đến viễn cảnh phát triển của ngành tâm lý học truyền thông với sự kết nối mạnh mẽ, chặt chẽ hơn với các lĩnh vực nghiên cứu liên quan.

“Understanding media psychology” là giáo trình nhập môn hoàn hảo cho lĩnh vực tâm lý học truyền thông

Sách được viết với văn phong dễ hiểu và bố cục khoa học, giúp cho sinh viên truyền thông ở bậc đại học và bậc học cao hơn nắm bắt được lý thuyết, khái niệm và vấn đề chính trong lĩnh vực nghiên cứu tâm lý học truyền thông qua góc nhìn liên ngành.

2. Giải trí đến chết (1985)

Tựa gốc của quyển sách là “Amusing Ourselves to Death” ra mắt năm 1985 và là tác phẩm kinh điển, có tính tiên tri rất cao khi nó không lỗi thời mà còn mang đến góc nhìn, phân tích sâu sắc về những gì mà công chúng đang đối diện trong thời đại này. Neil Postman là một nhà giáo dục, nhà lý luận truyền thông và là nhà phê bình xã hội người Mỹ đã có những đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu truyền thông.

Ông có những phân tích, phản biện sâu sắc về công nghệ và triết lý giáo dục. Ông nổi tiếng với những phê bình xã hội về truyền thông đại chúng, đặc biệt là tác động của truyền hình đến sự phát triển trí tuệ cảm xúc của trẻ em.

“Giải trí đến chết” ra mắt năm 1985 nhưng đến nay vẫn là quyển sách kinh điển của sinh viên ngành truyền thông thế giới.

Quyển sách “Giải trí đến chết” là tác phẩm kinh điển bán chạy nhất của Neil Postman (ông có 20 đầu sách liên quan đến công nghệ và giáo dục) – một bậc thầy về nghiên cứu văn hóa truyền thông.

Khi đặt trong bối cảnh chúng ta hiện nay khi mỗi ngày phải đối diện với vô số thông tin rác từ mạng xã hội, vô số hình ảnh giải trí hời hợt với những thuật toán được tận dụng triệt để, những điều Neil Postman viết trong “Giải trí đến chết” nhiều thập kỷ trước lại như viết về thời đại của chúng ta vậy.

Trăn trở về cách mà con người tư duy, nỗ lực học hỏi để mở rộng góc nhìn, xây dựng thế giới quan lành mạnh cũng chính điều sống còn cho sự phát triển của xã hội. Vẫn có những người tin rằng có một con đường giúp công chúng trẻ nói riêng và tất cả công chúng nói riêng bảo vệ được bản thân trước làn sóng dồn dập những thông tin, hình ảnh, nội dung… rác. “Giải trí đến chết” là một trong số đó.

3. Tâm lý học nói gì về truyền thông xã hội (2019)

Tựa gốc của quyển sách này là “The Psychology of Social Media” (thuộc bộ sách “The Psychology of Everything”). Quyển sách khám phá cách mà cuộc sống hàng ngày đang diễn ra trong môi trường mạng xã hội cũng như cách mà cuộc sống trên không gian mạng đang ảnh hưởng đến bản sắc, hạnh phúc và những mối quan hệ của chúng ta. Chúng ta thể hiện bản thân ra sao, điều gì thúc đẩy chúng ta tương tác, cách chúng ta tạo ra những kết nối, cách chúng ta đang từng ngày bước qua hay sập vào những cái bẫy của truyền thông xã hội.

“Tâm lý học nói gì về truyền thông xã hội” là quyển sách giúp bạn nhận diện được bối cảnh mình đang sống và nhận diện được chính mình trong thế giới với vô vàn kết nối này.

Tác giả là Tiến sĩ tâm lý học Ciarán Mc Mahon, cây viết chuyên đi sâu giải thích khía cạnh con người trong mối quan hệ với công nghệ, cụ thể là phương tiện truyền thông xã hội và an ninh mạng.

Độc giả sẽ gặp những thuật ngữ rất quen thuộc như FOMO, tự sướng và có cơ hội nhìn bức tranh thời đại từ góc nhìn rộng hơn, để thấy cách truyền thông xã hội đã phát triển như thế nào. Từ đó, mỗi chúng ta hiểu được mình ở đâu và mình cần làm gì để giữ lấy chính mình trong thế giới đan xen rất nhiều mối quan hệ thật-ảo này.

4. Nghệ thuật kiêng khem tin tức: Bí kíp sinh tồn thời kỹ thuật số (2020)

Tựa gốc quyển sách này là “Stop Reading the News: A Manifesto for a Happier, Calmer and Wiser Life” của tác giả Rolf Dobelli. Nội dung quyển sách như tấm gương phản chiếu lại tất cả hành vi, thói quen sử dụng các phương tiện truyền thông để cập nhật tin tức và liên tục kết nối của con người trong xã hội hiện nay. Bạn sẽ thấy được hình ảnh của chính mình thông qua mô tả của tác giả Rolf Dobelli và bạn sẽ vỡ lẽ vì sao mạng xã hội có thể ngốn từng ấy thời gian (nhiều giờ đồng hồ mỗi ngày) của mình như thế.

Nếu bạn đang bị cuốn trong dòng xoáy tin tức mỗi ngày và cảm thấy kiệt sức thì đây là quyển sách dành cho bạn.

Tác giả không đứng ở góc độ một chuyên gia để đánh giá mà tác giả hòa mình vào vai trò như một công chúng bình thường để hiểu được chúng ta hiện nay đang khổ sở khi loay hoay trong ma trận thông tin như thế nào.

Điều tác giả muốn hướng đến là một tương lai tươi sáng hơn khi mỗi công chúng đều là những người dùng thông thái, biết cách chọn lọc, đón nhận hoặc từ chối những nội dung mình không cần đến. Đây chính là viễn cảnh mà ở đó, công nghệ được tận dụng hiệu quả thay vì chúng ta bị nhấn chìm trong công nghệ.

5. Không thể sao nhãng (2019)

Tựa đầy đủ của quyển sách là “Không thể sao nhãng – Kiểm soát sự tập trung và sống đời bạn muốn” (Tựa gốc “Indistractable – How To Control Your Attention And Choose Your Life”.

Không bị sao nhãng (indistractable) sẽ là kỹ năng quan trọng nhất trong thế kỷ 21 này. Đây là nhận định từ tác giả Nir Eyal của quyển “Indistractable: How to Control Your Attention and Choose Your Life” (xuất bản năm 2019). Ông là người giảng dạy, tư vấn và viết cho các chuyên mục kết nối giữa tâm lý học, công nghệ và kinh doanh.

Nir Eyal mô tả bức tranh tương lai của thế giới dựa trên yếu tố “không bị sao nhãng” và chia chúng ta thành hai nhóm người”: nhóm để cho sự chú tâm và cuộc đời mình bị kiểm soát và ép buộc bởi những người khác và nhóm tự hào vì bản thân không bị xao shãng, là nhóm có thể tập trung khi cần.

Quyển “Không thể sao nhãng – Kiểm soát sự tập trung và sống đời bạn muốn” tiếp cận từ hai hướng là truyền thông và tâm lý học để đặt vấn đề và giải quyết vấn đề.

Đặt vấn đề trong bối cảnh chúng ta không thể đứng ngoài cuộc với sự thay đổi, phát triển của công nghệ. Phía sau sự phát triển ấy là những sản phẩm cạnh trang từng giây từng phút sự chú ý của người dùng, bằng bất cứ giá nào. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải loại bỏ việc sử dụng công nghệ, nhưng ít nhất cần hiểu được phía sau những trào lưu, những ứng dụng, những chương trình thu hút người xem là gì từ góc độ thông hiểu truyền thông (media literacy) và làm sao để mình ổn trong thế giới số (digital wellbeing).

Giải quyết vấn đề là phần tác giả đi sâu vào câu chuyện mỗi cá nhân phải tự làm việc với chính mình. Hai phần mình cảm thấy hứng thú nhất là Phần 6 “Làm sao để nuôi dạy những đứa trẻ không sao nhãng (và vì sao tất cả chúng ta đều cần đến dưỡng chất tâm lý”) và Phần 7 “Làm sao có được những mối quan hệ không sao nhãng”.

Nir Eyal lấy ví dụ về con gái 10 tuổi từng bước học cách nhận diện khi nào nên dừng việc xem điện thoại mà không cần sự nhắc nhở của bố mẹ. Cô bé tự đưa ra những chỉ dẫn để bản thân tuân thủ, và đây là điều cô bé tự vạch ra, không phải do bố mẹ áp lên. Nir Eyal nhấn mạnh đến việc khơi gợi yếu tố thúc đẩy bên trong cá nhân, để cá nhân tự quyết định và tự chịu trách nhiệm.

Vậy người lớn có vai trò gì khi đồng hành bên một đứa trẻ? Đó là giúp trẻ nhìn thấy những “nút bấm” kích hoạt sự sao nhãng từ bên trong và bên ngoài.

Cụ thể, Nir Eyal đề cập Lý thuyết về sự tự quyết (self- determination theory) và lấy đây là lý thuyết giúp giải thích cho “nút bấm” kích hoạt sự sao nhãng từ bên trong. Không có đủ quyền tự chủ để tự ra quyết định cho chính mình, sự hướng về hoặc tập trung cho năng lực để phát triển và sự liên quan ở mức độ mình quan trọng với người khác đồng thời người khác cũng quan trọng với mình, trẻ em sẽ trở nên mất tập trung để được cảm thấy xoa dịu về mặt tâm lý.

Khi đó, sự xao lãng với sức hút và các nội dung giải trí trên các thiết bị điện tử là điều khó tránh khi xung quanh, không ai hoặc không gì khác có thể làm “nguồn cung” cho mong muốn được ở bên cạnh này.

Vậy phải làm sao? Nguồn gốc đến từ sự khao khát những dưỡng chất tâm lý chứ không phải làm sao để ngăn chặn việc trẻ em tiếp xúc với thiết bị. Người lớn cũng không khác gì nếu giải thích dựa trên Lý thuyết về sự tự quyết (self- determination theory) ở trên.

Với người lớn thì tác giả Nir Eyal tập trung ở góc độ làm sao đặt sự sao nhãng ra khỏi một mối quan hệ để mối quan hệ ấy là sự chú tâm tốt nhất có thể mà những người trong mối quan hệ dành cho nhau. Làm sao để hiện diện bên nhau một cách chân thành và yêu thương? Điều này cần sự thực hành và cảm nhận nhiều hơn là lý thuyết. Vẫn quay về với việc đặt mình ở vị trí mình đang tìm kiếm điều gì? Một mối quan hệ khỏe mạnh hay sự ràng buộc, hay chỉ là một tên gọi mà lướt nhanh qua trải nghiệm, quan sát, ở trong mối quan hệ ấy?

6. Tin tức kiến tạo (2017)

Những thông tin tiêu cực, “drama” không ngừng sinh sôi, chỉ chờ chúng ta lướt qua, dừng lại. Một mê cung được dọn sẵn, dẫn chúng ta bước qua những mê cung khác, ngoằn ngoèo hơn, gồ ghề hơn. Sự tò mò, cảm xúc, những thiên kiến được kích hoạt tối đa, cho chúng ta cảm giác mình phải ở lại, phải chứng kiến, phải chọn bên đúng – sai trong dòng thông tin ấy. Cuối cùng, để làm gì? Chúng ta, trong vai trò công chúng được gì và mất gì khi bản thân bị xoáy sâu giữa dòng tin tức?

“Tin tức kiến tạo” là quyển sách cần có của những ai muốn nhìn thấy bức tranh rõ nét hơn về vai trò của độc giả, của người làm nội dung truyền thông trong bối cảnh hiện nay.

Chúng ta hoang mang hơn, cảm thấy căng thẳng hơn, thấy như mình dễ bị kích hoạt những cảm xúc khó chịu hơn hay chúng ta cảm thấy cuộc đời này đáng sống hơn khi đọc những dòng nội dung? Tùy thuộc vào cách chúng ta lựa chọn, chắt lọc từng khoảng thời gian quý giá khi lướt nội dung giữa bể thông tin, hình ảnh ngập tràn.

Quyển “Tin tức kiến tạo” (Tựa gốc “ Constructive News: How to save the media and democracy with journalism of tomorrow”) chia nội dung thành 2 phần chính. Phần thứ nhất “Xác định vấn đề” giúp độc giả nhìn rõ chính mình trong quá trình tiếp nhận, tiêu thụ nội dung. Qua đó thấy được chúng ta là công chúng nhưng cũng là một mắc xích quan trọng trong vòng xoáy thông tin.

Phần còn lại của quyển sách được đặt là “Cảm hứng cho một giải pháp mới”. Tác giả Ulrik Haagerup khuyến khích sự lan tỏa những góc nhìn tích cực đi cùng thái độ dấn thân cho những giải pháp cụ thể, thiết thực. Trong đó, trọng tâm chính là vai trò của mỗi người. Mỗi người cần tập trung cho từng hoạt động tiếp cận thông tin vì chính mỗi độc giả là người quyết định một thông tin sẽ lan tỏa đến đâu, lan tỏa như thế nào.

Mỗi độc giả là một điểm kết nối quan trọng. Khi họ có những tương tác khỏe mạnh trong thế giới nội dung thì họ sẽ tạo ra được một tấm khiên bảo vệ cho chính họ và cộng đồng. Tích cực, xây dựng và chân thật, đó chính là nội dung cho một xã hội phát triển bền vững.

7. Introduction to Positive Media Psychology (2020)

Nếu bạn ủng hộ và mong muốn thực hành truyền thông theo hướng truyền thông kiến tạo thì quyển “Introduction to Positive Media Psychology” là quyển sách bạn không nên bỏ qua.

Khái niệm tâm lý học tích cực (positive psychology) nghiên cứu về những điều tạo nên giá trị sự sống. Tâm lý học thường nhắc đến sự an lạc, khả năng phục hồi (sức bật), ý nghĩa cuộc đời thay vì nhắc đến những rối loạn hay bệnh lý tâm thần. Đây là góc nhìn đón nhận thực tế cuộc sống và khuyến khích mỗi cá nhân thiết kế một lối sống, một góc nhìn, chủ động tạo nên bản sắc của riêng mình.

“Introduction to Positive Media Psychology” là quyển sách dành cho bất cứ ai khuyến khích truyền thông kiến tạo, hướng đến những ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng.

Tâm lý học truyền thông tích cực cũng mang tinh thần như thế. Quyển sách mang đến một góc nhìn cởi mở hơn về thế giới và lĩnh vực truyền thông. Nơi đây không chỉ có sự ồ ạt của cạnh tranh, của giật gân, câu view, của muôn trùng vây thu hút sự chú ý của công chúng mà còn có nỗ lực của tinh thần làm truyền thông tử tế.

Đây là một góc nhìn đáng được cân nhắc và khuyến khích thực hành trong bối cảnh chúng ta đang đối diện với sự dư thừa thông tin, quá tải nội dung rác.

8. Mental Health in the Digital Age: Grave Dangers, Great Promise (2015)
Những nghiên cứu về ảnh hưởng từ thông tin trên mạng xã hội lên sức khoẻ tâm thần đã có hơn chục năm. Còn đây là quyển sách xuất bản năm 2015, tập hợp nhiều nghiên cứu hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu về tâm lý học truyền thông. Sách chia làm 2 phần, phần đầu nói về những thách thức, phần sau nói về cơ hội.
Về phần thách thức, do các bài nghiên cứu cách đây cũng khá lâu nên chỉ đề cập đến một số khía cạnh. Những nghiên cứu gần nhất sẽ bổ sung thêm vào một số ý và đi sâu hơn về ảnh hưởng đến việc thực hiện các chức năng của một người. Dựa vào nội dung từ các nghiên cứu, người đọc có thể chủ động tìm kiếm thêm những nghiên cứu mình quan tâm.

“Mental Health in the Digital Age” tập hợp những nghiên cứu về tác động của thế giới số đến đời sống ở 2 khía cạnh tiêu cực và tích cực.

Về cơ hội, các bài nghiên cứu cũng chỉ ra khả năng tận dụng nền tảng mạng xã hội, Internet trong tâm lý trị liệu. Năm 2021 chính là thời điểm cho thấy đây là cơ hội rất lớn cho tâm lý trị liệu trên nền tảng mạng.
→ Tâm lý học truyền thông là ngành rộng với những kiến thức liên ngành, đòi hỏi sự hiểu biết và liên tục cập nhật cả lý thuyết lẫn chất liệu từ thực tế. Những quyển sách được giới thiệu có thể chưa bao quát hết về lĩnh vực này, chúng tôi sẽ liên tục cập nhật và gửi đến bạn những thông tin tham khảo. Mời bạn theo dõi!

Nguyễn Như Quỳnh

Tâm lý học truyền thông ([email protected]) – Hiểu về truyền thông qua lăng kính tâm lý học. Truyền thông khoa học về tâm lý. Củng cố sức khỏe tâm lý và gắn kết những mối quan hệ, tương tác khỏe mạnh.

 

No Comments

Sorry, the comment form is closed at this time.